Đăng Ký Học
Ngày 10/01/2025 15:07:47, lượt xem: 125
* Trước khi đọc
Câu hỏi (trang 6 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Truyện Kiều của Nguyễn Du đã hòa nhập vào đời sống, sinh hoạt văn hóa của dân tộc Việt Nam. Bạn hãy nêu một trường hợp có sử dụng hình thức đố Kiều, lẩy Kiều hoặc vịnh Kiều.
Trả lời:
- Hình thức lẩy Kiều: lựa chọn những câu thích hợp trong 3254 câu trong Truyện Kiều và nối lại sao cho có vần và có nghĩa theo dụng ý.
Lòng riêng riêng những bàn hoàn
Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng
(Hồ Chí Minh, Đi thuyền trên sông Đáy)
- Hình thức vịnh Kiều:
+ Bài Tống vịnh Truyện Kiều (Phạm Quý Thích)
Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan,
Phong ba chưa trắng nợ hồng nhan.
Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng,
Gót ngọc khôn đành giấc thủy quan.
Nửa gối đoạn đường tan giấc điệp,
Một dây bạc mệnh dứt cầm loan.
Cho hay nhưng kẻ tài tình lắm,
Trời bắt làm gương để thế gian
* Đọc văn bản
Gợi ý trả lời câu hỏi trong bài đọc
1. Truyền thống gia đình, dòng họ và bối cảnh thời đại Nguyễn Du.
- Truyền thống gia đình, dòng họ:
+ Gia đình đại quý tộc có nhiều người đỗ đạt và làm quan; có truyền thống văn chương.
+ Thời thơ ấu, Nguyễn Du được sống trong êm đềm, nhưng sớm mồ côi cha mẹ, gia đình li tán.
=> Hoàn cảnh gia đình tác động đến sáng tác của Nguyễn Du.
- Bối cảnh thời đại:
+ Cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, các tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh – Nguyễn tranh giành quyền lực.
+ Chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng, xã hội rối ren, đời sống nhân dân loạn lạc, lầm than.
+ Phong trào khởi nghĩa diễn ra khắp nơi, tiêu biểu lả khởi nghĩa Tây Sơn.
=> Bối cảnh lịch sử đầy biến động dữ dội, Nguyễn Du trải qua nhiều thăng trầm.
2. Những điểm mốc quan trọng trong cuộc đời Nguyễn Du.
- Năm 1783, Nguyễn Du đỗ tú tài, nhưng không tiếp tục đi thi.
- Năm 1802, ông ra làm quan phục vụ triều đình nhà Nguyễn.
- Năm 1813, ông đảm nhận sứ mệnh dẫn đầu sứ bộ đi Trung Quốc.
- Năm 1820, Gia Long qua đời, Minh Mạng lên ngôi, cử Nguyễn Du làm Chánh sứ nhưng chưa kịp đi thì ông lâm bệnh và qua đời.
3. Chú ý hoàn cảnh sáng tác, nội dung cơ bản và đặc sắc về nghệ thuật của từng tập thơ.
a. Thanh Hiên thi tập (78 bài thơ)
- HCST: những năm trước 1802, những năm tháng bi thương nhất của Nguyễn Du khi gia đình li tán, phải sống tha phương, lưu lạc giữa bối cảnh lịch sử sự sụp đổ của nhà Lê – Trịnh.
- Nội dung: Từ những bi kịch cá nhân, Nguyễn Du ghi lại tâm sự của một con người nhiều ý chí nhưng gặp cảnh ngộ éo le nên phải ôm trong lòng mối u uất. Ông cũng thể hiện sự đồng cảm với những bất hạnh của con người, quê hương trong một thời đổ vỡ, xáo trộn.
- Nghệ thuật: thơ chữ Hán, sử dụng các điển cố, điển tích.
b. Nam trung tạp ngâm (40 bài thơ)
- HCST: giai đoạn năm 1805 – 1812, thời kì Nguyễn Du làm quan cho nhà Nguyễn.
- Nội dung: Bày tỏ nỗi chán nản, thất vọng về chốn quan trường và niềm khao khát được từ quan, về sống ẩn dật nơi quê nhà. Ông cũng bày tỏ nỗi xót xa cho phận người trong cảnh loạn li.
- Nghệ thuật: giọng điệu bi thảm, buồn thương. Cảm hứng trữ tình và hiện thực đan xen làm nên sự thống nhất. Cảm hứng trữ tình chiếm ưu thế và tạo âm hưởng chủ đạo cho tập thơ.
c. Bắc hành tạp lục (132 bài thơ)
- HCST: Nguyễn Du sáng tác trong thời gian đi sứ Trung Quốc.
- Nội dung: Niềm cảm thương, trăn trở trước số phận con người, đặc biệt là những kiếp tài hoa. Nguyễn Du từ cõi lòng đầy thất vọng của bản thân để trăn trở về hiện thực của cõi đời của nhân dân trong tình cảm nghèo khổ, tha phương.
- Nghệ thuật: thơ chữ Hán, cặp thơ đối.
4. Giá trị chung của thơ chữ Hán Nguyễn Du.
- Vừa lưu giữ thế giới tâm hồn phong phú, phức tạp của nghệ sĩ lớn, vừa khái quát hiện thực rất cao và mang giá trị nhân văn sâu sắc.
5. Lưu ý mối liên hệ của hai văn bản: Truyện Kiều (Nguyễn Du) và Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm Tài Nhân).
Truyện Kiều được Nguyễn Du tiếp thu đề tài, cốt truyện từ Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và sáng tạo theo hình thức thơ riêng mang tính dân tộc – Truyện thơ Nôm và thể lục bát (3254 câu).
=> Biểu hiện rõ ràng của hiện tượng giao lưu văn hóa và sáng tạo văn học.
6. Chú ý nội dung cơ bản của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều.
Tư tưởng nhân đạo lớn lao, sâu sắc, độc đáo, được thể hiện qua cảm hứng tôn vinh vẻ đẹp của con người, đặc biệt là người phụ nữ.
- Phê phán xã hội bất công, tàn ác, chèn ép con người:
+ Vạch trần bộ mặt xấu xa của bọn quan lại “buôn thịt bán người”.
+ Lên án xã hội đồng tiền chà đạp phẩm giá, hạnh phúc của con người.
- Ca ngợi và trân trọng vẻ đẹp của con người:
+ Khắc họa nhân vật sống động, lấy thiên nhiên là thước đó cho vẻ đẹp.
+ Ca ngợi, trân trọng vẻ đẹp tâm hồn và tài năng (đặc biệt là Thúy Kiều).
- Đồng cảm, xót thương những số phận bất hạnh.
7. Khát vọng tình yêu và khát vọng sống tự do.
Nguyễn Du trân trọng con người nên đồng cảm với những khát vọng chính đáng vượt ra ngoài khuôn phép phản nhân văn của tư tưởng phong kiến của con người – được yêu và sống tự do.
8. Mô hình cốt truyện của Truyện Kiều.
Cốt truyện của Truyện Kiều được xây dựng theo mô hình chính của truyện thơ Nôm, đó là 3 phần Gặp gỡ - Chia li - Đoàn tụ. Trong mỗi phần, ông đều có những sáng tạo độc đáo riêng.
9. Những thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật.
- Gần như giữ nguyên hệ thống các nhân vật trong Kim Vân Kiều truyện nhưng cá thể hóa tính cách của các nhân vật để phù hợp với chủ đề mới, bản sắc và văn hóa dân tộc.
- Nhiều nhân vật có giọng điệu và vốn ngôn ngữ riêng, phản ánh chân thực nguồn gốc, lai lịch, tính cách và diễn biến tâm trạng. Nhiều đoạn ngôn ngữ đối thoại có khả năng bộc lộ những biến động trong tâm hồn nhân vật.
10. Khám phá thế giới nội tâm nhân vật.
Thế giới nội tâm nhân vật được thể hiện bằng nhiều phương tiện cử chỉ, hành động, ngôn ngữ đối thoại và độc thoại, lời nửa trực tiếp, “ngôn ngữ” thiên nhiên (hình tượng thiên nhiên chiếm giữ vị trí quan trọng).
11. Ngôn ngữ và thể thơ lục bát.
Khẳng định vị trí và đánh dấu bước phát triển vượt bậc của tiếng Việt trong lịch sử văn học dân tộc, hoàn thiện thể thơ lục bát truyền thống.
* Sau khi đọc
Nội dung chính: Khái quát những thông tin chính về tiểu sử Nguyễn Du; những đặc điểm nội dung, nghệ thuật trong sáng tác chữ Hán, chữ Nôm của Nguyễn Du cùng những đóng góp to lớn của ông trong nền văn hóa, văn học dân tộc.
Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc:
Câu 1 (trang 13 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Lập niên biểu Nguyễn Du và nêu nhận xét về cuộc đời, con người ông.
Trả lời:
NIÊN BIỂU NGUYỄN DU
Thời gian | Sự kiện cuộc đời |
1765 | Quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng sinh ra tại Thăng Long. |
1775 - 1778 | Cha mẹ lần lượt qua đời. Nguyễn Du được người anh cùng cha khác mẹ Nguyễn Khản nuôi nấng. |
1783 | Thi đỗ tú tài, được nhận một chức quan nhỏ ở Thái Nguyên. |
1789 - 1796 | Phiêu bạt nhiều nơi trên đất Bắc. |
1796 - 1802 | Trở về ở ẩn ở quê nội Hà Tĩnh |
1802 - 1809 | Ra làm quan cho nhà Nguyễn, giữ nhiều chức vụ |
1813 | Đảm nhận sứ mệnh đi sứ ở Trung Quốc. |
1820 | Được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc, nhưng chưa kịp lên đường đã bệnh nặng và qua đời. |
1965 | Được công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. |
=> Nhận xét:
+ Cuộc đời Nguyễn Du trải qua nhiều biến cố gắn với bối cảnh lịch sử thời đại của dân tộc.
+ Ông là người có kiến thức sâu rộng, am hiểu văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc.
Câu 2 (trang 13 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Bắc hành tạp lục được sáng tác trong hoàn cảnh nào? Nội dung chính của tập thơ là gì?
Trả lời:
Tập thơ: Bắc hành tạp lục | |
Hoàn cảnh sáng tác | Nội dung chính |
Khi Nguyễn Du đi sứ sang Trung Quốc. | Niềm cảm thương, trăn trở về cõi nhân sinh (số phận con người, thân phận kiếp tài hoa; thực trạng bất công của xã hội đương thời. |
Câu 3 (trang 13 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Nêu các giá trị cơ bản của thơ chữ Hán Nguyễn Du.
Trả lời:
- Phản ánh hiện thực và giá trị nhân văn sâu sắc.
- Phản chiếu, lưu giữ chân dung con người và quá trình vận động tư tưởng của Nguyễn Du.
Câu 4 (trang 13 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Tóm tắt cốt truyện Truyện Kiều (khoảng 1 – 1,5 trang).
Trả lời:
- Phần 1: Gặp gỡ và đính ước
Truyện kể về cuộc đời của Thúy Kiều - thiếu nữ tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời bất hạnh. Trong một lần du xuân, Kiều gặp gỡ và có một mối tình đẹp với Kim Trọng. Hai người chủ động gặp gỡ và đính ước với nhau.
- Phần 2. Gia biến và lưu lạc
Gia đình Kiều bị nghi oan, cha bị bắt, Kiều bán mình để chuộc cha. Trước đó, Kiều trao duyên cho em gái là Thúy Vân. Thúy Kiều bị bọn buôn người là Mã Giám Sinh và Tú Bà lừa bán vào lầu xanh. Sau đó, nàng được Thúc Sinh cứu. Nhưng Kiều lại bị Hoạn Thư - vợ Thúc Sinh ghen tuông, đày đọa. Nàng tiếp tục rơi vào lầu xanh. Ở đây, Kiều gặp được Từ Hải - một “anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất”. Từ Hải lấy Kiều và giúp nàng báo ân báo oán. Do bị lừa, Kiều vô tình đẩy Từ Hải vào chỗ chết. Đau đớn, nàng trẫm mình xuống sông thì được sư Giác Duyên cứu.
- Phần 3. Đoàn tụ
Kim Trọng chịu tang chú xong quay về, biết Thúy Kiều gặp phải biến cố thì đau lòng. Chàng kết hôn cùng Thúy Vân nhưng vẫn mong gặp lại Kiều. Chàng quyết tâm đi tìm nàng. Thúy Kiều nối lại duyên với Kim Trọng nhưng cả hai đã nguyện ước “duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”.
Câu 5 (trang 13 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Văn bản đã phân tích những nội dung cơ bản nào của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều?
Trả lời:
Câu 6 (trang 13 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Nguyễn Du đã có những sáng tạo gì trên bình diện tổ chức cốt truyện và xây dựng nhân vật trong Truyện Kiều?
Trả lời:
- Cốt truyện được tổ chức theo mô hình chung của truyện thơ Nôm: Gặp gỡ - Chia li - Đoàn tụ nhưng được sáng tạo thêm:
+ Cách Nguyễn Du miêu tả bối cảnh cuộc gặp gỡ và quá trình tương tư, tìm kiếm cơ hội bày tỏ, đính ước, thề nguyện của Kim Trọng, Thúy Kiều.
+ Đoạn kết vừa theo mô hình chung (kết thúc có hậu, Thúy Kiều được đoàn tụ), vừa phá cách (Thúy Kiều và Kim Trọng không có được hạnh phúc trọn vẹn).
- Về xây dựng nhân vật, các nhân vật đã được lí tưởng hóa. Nghệ thuật xây dựng nhân vật mang tính chất ước lệ cao (lấy vẻ đẹp tuyệt đối của thiên nhiên để nói về con người, nhân vật có tài năng kiệt xuất).
Câu 7 (trang 13 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Dựa vào văn bản, hãy chỉ ra những đóng góp quan trọng của Nguyễn Du đối với nền văn học dân tộc.
Trả lời:
Nội dung | Nghệ thuật |
- Có giá trị hiện thực sâu sắc, phản ánh chân thực cuộc đời của ông và xã hội đen tối, bất công. - Tác phẩm giàu tính nhân đạo, luôn hướng tới đồng cảm, bênh vực, ngợi ca và đòi quyền sống cho con người, đặc biệt là người phụ nữ tài hoa mà bạc mệnh. |
- Về thể loại: Nguyễn Du đưa hai thể thơ của truyền thống dân tộc đạt đến trình độ điêu luyện và mẫu mực; tiểu thuyết hóa thể loại truyện Nôm, với điểm nhìn trần thuật từ bên trong nhân vật, và nghệ thuật miêu tả tâm lí tinh tế, sâu sắc. - Về ngôn ngữ: Nguyễn Du đã có đóng góp to lớn, làm cho ngôn ngữ Tiếng Việt trở nên trong sáng, tinh tế và giàu có. |
=> Nguyễn Du đã có những đóng góp to lớn trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam.
Kết nối đọc – viết
Bài tập (trang 13 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều.
Đoạn văn tham khảo
Đi ngược lại với những chuẩn mực, khuôn mẫu gò bó của nền văn học trung đại, Nguyễn Du đã thể hiện sự tỉ mỉ, chân thành của mình trên con đường đào sâu vào những giá trị tư tưởng nhân đạo phá cách hơn trong tác phẩm Truyện Kiều, tiêu biểu phải kể đến cảm hứng tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Hình ảnh người phụ nữ với vẻ đẹp toàn diện cả tâm hồn và thể xác đã được ông thể hiện xuất sắc qua hình ảnh chị em Thúy Vân – Thúy Kiều. Đó là 2 người thiếu nữ với vẻ đẹp thanh cao, đoan trang, được ví với những thứ cao đẹp trên đời (trăng, hoa, mây, tuyết, ngọc). Đối với vẻ đẹp của Thúy Vân, Nguyễn Du đã sử dụng hình ảnh thiên nhiên trong trắng, tinh khôi, rực rỡ mà hiền hòa để miêu tả. Thiên nhiên, tạo hóa cũng phải khiêm nhường trước sắc đẹp của nàng. Đó là một vẻ đẹp nhân hậu, thùy mị, thành thực, quý phái của người thiếu nữ. Bức chân dung đã dự báo cho số phận yên bình, suôn sẻ của nàng. Ngược lại, khác với vẻ đẹp phúc hậu, êm đềm của Thúy Vân, Thúy Kiều lại càng “sắc sảo mặn mà” hơn. Vẻ đẹp của nàng “nghiêng nước nghiêng thành”, lại hội tụ cả trí tuệ, tài năng, đức hạnh theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến lúc bấy giờ. Nguyễn Du đã tập trung gợi tả đôi mắt tuyệt đẹp của nàng bởi đó là nơi thể hiện mọi tinh anh về tâm hồn và trí tuệ. Nàng không chỉ có vẻ đẹp lí tưởng mà tài năng của nàng còn gần như tuyệt đối. Nàng có tài trên mọi lĩnh vực chuẩn mực lúc bấy giờ của người phụ nữ, đó là các lĩnh vực: cầm, kì, thi, họa. Nàng còn có trái tim đa sầu đa cảm, tiếng lòng luôn rung cảm trước mọi cái đẹp. Một tuyệt sắc giai nhân với vẻ đẹp hoàn mĩ khiến bất kì ai cũng đắm say ấy vậy lại là điềm báo cho một cuộc đời, một số phận “hồng nhan bạc mệnh”. Bằng bút pháp tu từ ước lệ và biện pháp so sánh, ẩn dụ, tả cảnh gợi tình, Nguyễn Du đã vẽ nên trước mắt người đọc không chỉ là bức tranh tuyệt đẹp của hai người thiếu nữ, mà còn cho thấy trước những dự báo mang tính số phận. Tình cảm xót thương, sự trân trọng về sắc đẹp và tài năng Thúy Kiều giúp ta hiểu được giá trị nhân đạo thể hiện qua các đoạn trích này nói riêng, trong tác phẩm Truyện Kiều nói chung.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học TOÀN DIỆN LỚP 11 - 2K8
- Khóa học KĨ NĂNG VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN CHUYÊN SÂU
Tin liên quan